Vinh quang Đức Mẹ Maria (p6)

[P1] [P2] [P3] [P4] [P5] [P6] [P7] [P8] [P9] [ Trang chủ ] [ Mục lục ]

******************************

File mp3 :

Link Youtube :

******************************

            Xô nhào quyền lực hỏa ngục

            Lịch sử Israel cho ta thấy, trong các cuộc giao tranh, họ đã chiến thắng hoàn toàn nhờ hòm bia thánh. Khi hòm bia thánh được khiêng lên, Maisen lên tiếng : Lạy Chúa, xin Chúa khởi hành, và địch thủ Chúa sẽ tàn bại. Nhờ hòm bia, họ đã chiến thắng địch thù. Nhờ hòm bia, họ đã hạ thành Giêricô. Nhờ hòm bia, họ đã đẩy lui người Philitinh, vì hòm bia thánh đi theo con dân Israel. Giáo hội tuyên nhận hòm bia giao ước đó là hình ảnh Mẹ Maria. Hòm bia chứa đựng lương thần, thì Mẹ Maria chứa đựng Chúa Giêsu, tượng trưng bằng lương thần. Nhờ hòm bia mầu nhiệm Maria này, ta sẽ chiến thắng hết mọi cựu thù thế gian cùng hỏa ngục. Thánh Bênađinô Siêna nhận xét : “Khi Maria, hòm bia Tân Ước được triệu về trời làm Nữ Vương, thì quyền lực hỏa ngục trên loài người bị náo động đổ nhào”.

            Thánh Bonaventura cảm thán : “Ôi ! quỉ dữ khiếp sợ và kinh hoàng biết bao khi nghe kêu danh thánh Maria !” Thánh nhân sánh chúng quỉ với những tên ăn trộm ông Gióp đã nói tới : Chúng đào ngạch nhà người ta trong bóng tối… nếu bất chợt mà bình minh ló hiện, chúng ngờ đó là bóng chết vùng lên. Ma quỉ cũng lẻn vào linh hồn, khi linh hồn u mê trong bóng đêm tăm tối. Nhưng thoạt khi ân sủng và tình thương của Mẹ Maria, tương tự như ánh bình minh ló hiện trên linh hồn, tức thì bóng tối biến tan, quyền lực hỏa ngục xô nhau chạy trốn, như người ta chạy trốn thần chết. Ôi ! hạnh phúc thay cho người cứ hễ giáp trận với hỏa ngục là kêu cầu danh thánh mĩ diệu Maria !

            Theo một mặc khải cho thánh nữ Brigitta, Chúa nhường trao cho Mẹ Maria một uy quyền thống trị rất thanh thế trên quỉ dữ, các tôi tớ trung thành cầu xin Mẹ không phải sợ gì chúng tấn công nữa. Quả thực, chỉ một hiệu báo nhỏ rằng có thế lực của Mẹ Maria yểm trợ là chúng đủ kinh hồn tán đởm trốn chạy cho mau ; chúng thà chịu gia hình gấp bội còn hơn thấy mình bị trị dưới uy quyền của Mẹ.

            Ý trung nhân của ta ở giữa các thiếu nữ Sion, như hoa huệ giữa lùm gai (Dc 2/2). Theo những lời đó, Hiền Phu Chí Thánh muốn ca tụng Hiền Thê Chí Thánh của mình, đã sánh nàng với bông huệ và biệt phân nàng ra khỏi các linh hồn, như chúng ta thường biệt phân một bông huệ mọc giữa bụi gai. Cha Cornêliô Lapiđê suy niệm như sau : “Như hoa huệ chữa lành vết thương rắn cắn, và dập tắt lửa độc, thì cũng không có gì hiệu nghiệm như lời cầu xin Mẹ Maria để thắng mọi cơn cám dỗ, nhất là những chước cám dỗ nghịch đức thanh tịnh, như đã từng chứng tỏ qua kinh nghiệm của những người chạy đến cùng Mẹ”.

            Thánh Gioan Đamát lên tiếng kêu tin tưởng : “Ôi Mẹ Thiên Chúa, con sẽ được giải thoát nhờ niềm tin tưởng vô địch con đặt nơi Mẹ. Với cây thuẫn duy nhất của Mẹ phù trì và ơn bang trợ toàn năng của Mẹ, con nhất định sẽ toàn thắng cừu địch con”. Hết những ai đã được hân hạnh làm tôi trung của Mẹ cũng nói được như thế. Vậy, lạy Mẹ Thiên Chúa, tin tưởng Mẹ, con không sợ ngã ; Mẹ bênh vực, con sẽ rượt đuổi cựu thù con ; cậy vào sự bảo trợ và cứu viện toàn năng của Mẹ như một cây thuẫn thần, con sẽ phản công chúng và nhất định nắm chắc phần vinh thắng. Được tâm tình đó phấn khởi, đan sĩ Giacôbê, theo các vị Giáo phụ Hi lạp kể lại, đã thân thưa cùng Chúa Giêsu rằng : “Lạy Chúa, trong Mẹ Maria, Chúa đã ban cho chúng con một lực lượng hùng hậu hơn mọi chiến khí, một thanh gươm vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù chúng con”.

            Thánh Kinh Cựu Ước thuật lại rằng : hồi dân Chúa hồi cư từ Aicập về Đất Hứa, Chúa đã hướng dẫn họ ban ngày bằng một cột mây, ban đêm bằng một cột lửa. Theo cha Risa, cây cột khi bằng mây khi bằng lửa đó chính là hình ảnh Mẹ Maria, và là hình ảnh hai nhiệm vụ Mẹ luôn luôn thi hành để bênh đỡ ta. Mẹ Maria được trao thi hành giúp chúng ta hai nhiệm vụ này : là cột mây, Mẹ bảo vệ chúng ta khuất ánh nắng Mặt Trời công lý ; là cột lửa, Mẹ phù trì chúng ta chống lại ma vương. Thánh Bonaventura thêm rằng : “Mẹ còn là cột lửa, vì bất cứ nơi đâu, chúng quỉ thấy các linh hồn siêng năng tưởng nhớ thánh danh, sốt sắng kêu cầu Mẹ, và thiết tha bắt chước các nhân đức của Mẹ, thì chúng bị tiêu tan quyền lực, như sáp ong gần bên lửa.

            Một tầm sét kinh hoàng

            Ôi ! chỉ thoáng nghe kêu tên Mẹ Maria, ma quỉ đã run giùng náo động biết chừng nào ! Thánh Bênađô nói tiếp : “Chúng quỉ không những kinh hoàng trước chính thân Đức Trinh Nữ, mà chỉ nghe kêu danh thánh Mẹ, chúng cũng hốt hoảng kinh giùng”. Cha Tôma Kempi lại thêm : “Ma quỉ trốn chạy trước danh thánh Maria như người ta khi bị lửa đốt. Sấm sét làm hoảng hồn con người thế nào, thì danh thánh Maria, cũng như một tầm sét từ trời giáng xuống, làm cho tà thần hỏa ngục thất điên bát đảo, gục ngã kinh hoàng như vậy”.

            Biết bao chiến công hiển hách các tôi tớ Mẹ Maria đã đoạt thắng trên cựu thù, nhờ sức mạnh thánh danh Mẹ ! Thánh Antôn Pađôva, chân phúc Henricô Susô, và biết bao người con thân yêu của Mẹ Maria đã chiến thắng chúng quỉ nhờ thánh danh đó. Trong tập thông tin liên lạc của các vị thừa sai ở Nhật bản có kể truyện : một hôm, một đàn quỉ đội lốt những dã thú hung hãn đến quấy rối và đe dọa mọi cách một giáo hữu người Nhật. Người đó chỉ đáp lại chúng thế này : “Tao, tao chẳng có khí giới nào làm cho chúng mày khiếp đảm cả. Nếu Đấng Tối Cao cho phép rồi, thì chúng mày cứ hại tao tùy ý. Tao chỉ có hai thánh danh êm dịu Giêsu Maria để phòng thủ mà thôi”. Người đó vừa nói xong, thanh âm của hai thánh danh uy quyền đó vừa vang vào không gian, thì đất mở ra, lũ tà thần kiêu căng đó theo nhau nhào xô bổ xuống vực thẳm.

            Theo kinh nghiệm bản thân, thánh Anselmô nói : “Tôi thường nghe thường thấy kể lại : có nhiều người lâm cơn nguy hiểm hãi hùng, mà rồi môi miệng vừa thốt ra danh thánh Maria, là được thoát nguy lập tức”.
            Thánh Bonaventura than thở : “Ôi Maria, danh thánh Mẹ vinh hiển và kỳ diệu biết bao ! Khi lâm nguy, ai ân cần kêu đến tên Mẹ, thì không phải sợ gì quyền lực của hỏa ngục nữa, vì ma quỉ không thể nghe một linh hồn kêu lên : Maria, Maria ! mà không xô nhau chạy trốn tức thì”. Thánh tiến sĩ lại thêm : “Địch quân mang xác thể gặp một đạo quân hùng hậu cũng không đến nỗi hoảng sợ như tà thần bóng tối kinh hoàng khi nghe kêu thánh danh và sự cầu bầu của Mẹ Maria”.

            Thánh Germanô thưa Mẹ : “Lạy Mẹ, chỉ một lời kêu cầu danh thánh toàn năng Mẹ, là Mẹ đưa tôi tớ Mẹ tới nơi an toàn, tránh khỏi sức tấn công ồ ạt của hỏa ngục”.

            A ! Trong lúc bị cám dỗ, nếu các giáo hữu ân cần tin tưởng cầu xin danh Mẹ Maria, thì nhất định họ sẽ không sa ngã. Vì, thoạt nghe thánh danh tôn nghiêm này, ma quỉ đã hoảng hồn thất vía như bị sét đánh. Chân phúc Alanô Rupê viết : “Khi tôi đọc lời Ave Maria, thì Satan trốn chạy, hỏa ngục run giùng”. Chính Đức Nữ Vương chúng ta cũng mặc khải cho thánh nữ Brigitta biết : “các tội nhân dầu chìm sâu trong tội ác đến đâu, dầu đã lìa xa Thiên Chúa đến đâu, dầu là nô lệ ma quỉ đến đâu mà có thiện chí cải tạo, vừa khi kêu lên : Maria, Maria, là cừu địch của họ đã phải bán sống bán chết chạy lấy thân, vì bị danh thánh toàn năng đó làm cho hoảng vía”. Nhưng Mẹ lại thêm : “nếu linh hồn chưa bắt tay vào việc cải quá, chưa thành thực thống hối mà thoát ly tội lỗi, thì ma quỉ lại trở về ngay, trấn áp và thống trị linh hồn đó”.

            Vâng, con có phạm tội đó

            Trong thành phố Reichersperg, xứ Bavière, có một vị kinh sĩ tên là Arnould, rất tận tụy sùng kính Đức Mẹ. Thấy mình đã đến giờ lâm chung, ngài xin chịu các phép Bí tích sau hết, và mời các anh em đồng tu đến xin họ đừng bỏ rơi mình trong giờ phút cuối đời ấy. Bỗng dưng, ngay trước mặt anh em, tứ chi ngài bắt đầu run rẩy, đôi mắt nhớn nhác sửng sốt, mồ hôi lạnh toát chảy ra khắp mình, ngài tắt nối kêu lên :

– Anh em không thấy những tên quỉ đang muốn kéo tôi xuống hỏa ngục kia ư ? Xin anh em cầu cùng Mẹ Maria đến cứu tôi với. Tôi tin thật Mẹ sẽ cho tôi thắng chúng nó !

Anh em chứng kiến liền nghe theo lời ngài xin, đọc kinh cầu Đức Mẹ ; khi họ đọc đến câu : Rất Thánh Đức Bà Maria, cầu cho chúng tôi, thì vị kinh sĩ nói :

– Xin đọc lại tên Đức Mẹ, vì tôi đang ở trước tòa phán xét rồi.

Im lặng một lát, ngài tiếp :

– Vâng, con có phạm tội đó, nhưng con đã hối hận rồi.

Quay về Mẹ Maria, ngài tiếp :

– Lạy Mẹ, nếu Mẹ đến cứu con, thì con sẽ được cứu rỗi.

Quỉ lại tấn công ngài một đợt nữa. Ngài làm dấu thánh giá và kêu tên Mẹ Maria mà chống cự. Cứ thế qua suốt một đêm.

Ngày vừa rạng, vị kinh sĩ tốt lành đó bình tĩnh, tươi cười, hoan hỉ kêu lên :

– Mẹ Maria là Nữ Vương và là nơi an toàn của tôi đã xin cho tôi được tha thứ và được rỗi rồi.

Rồi nhìn cắm vào Mẹ Maria đang gọi ngài theo Mẹ, ngài thưa :

– Vâng, con đi đây, Mẹ ơi !

Đang lúc cố gắng ngồi dậy ngài tắt thở êm lành. Chắc chắn linh hồn ngài đã được theo Mẹ Maria về trời hưởng phúc đời đời vinh hiển.

            Con cả dám cậy trông Mẹ

            Ôi Maria là hi vọng của con, con là một tội nhân khốn khổ, bao phen đã vì lầm lỗi mà trở thành nô lệ hỏa ngục, giờ đây con đến sấp mình dưới chân Mẹ.

            Con chân nhận rằng vì đã không chạy đến cùng Mẹ là nơi nương trú an toàn, nên con mới bị ma quỉ lướt thắng. Giá lúc nào con cũng chạy lại cùng Mẹ, giá con đã năng cầu xin Mẹ, có phải con đã không thua ngã bao giờ không.

            Lạy Nữ Vương đáng mến, con cả dám trông cậy rằng, nhờ Mẹ, con sẽ không bao giờ chịu làm nô lệ Satan nữa, và con dám tin chắc rằng Chúa đã tha thứ cho con rồi. Nhưng con lo sợ ngày nào đây nhỡ ra con lại rơi vào xiềng xích hỏa ngục. Con biết cựu thù con vẫn chưa thôi nuôi hi vọng báo thù, và chúng còn đang chuẩn bị những đợt tấn công, những chước cám dỗ mới lạ nữa. A ! lạy Nữ Vương cùng là nơi an trú của con, xin cấp cứu con. Xin giấu con vào dưới áo Mẹ, và đừng để con lại trở thành tôi mọi của quỉ dữ nữa.

            Con cũng biết nếu con cầu xin Mẹ luôn, thì Mẹ cũng sẽ đến cứu trợ con luôn, và ban cho con được luôn chiến thắng. Nhưng điều con vẫn nơm nớp sợ là không chịu tưởng nghĩ đến Mẹ, không kêu đến Mẹ khi con bị chước cám dỗ ngầy ngà. Vậy ơn con nài xin Mẹ, và con cả dám đòi hỏi Mẹ, lạy Đức Nữ Trinh Chí Thánh, là cho con được luôn luôn tưởng nghĩ đến Mẹ, nhất là khi con giao chiến với cựu thù. Xin cho chúng con được nói đi nói lại rằng : Ôi Maria, xin giúp đỡ con ! Ôi Maria, xin đến cứu giúp con !

            Và sau cùng, trong giờ chết, con còn phải chiến đấu với hỏa ngục một trận cuối cùng, thì lúc ấy, ôi Nữ Vương đáng mến, xin đến cứu trợ con hùng dũng hơn nữa, và cho con được năng tưởng nhớ và kêu xin Mẹ, nếu không thành lời ngoài miệng thì ít là trong lòng. Xin cho con được trút hơi thở đang khi con than thở thánh danh dịu dàng của Mẹ và của Giêsu Con Mẹ, để con được phúc nhận vào chúc tụng và ca ngợi Mẹ trên thiên đàng, được luôn luôn ở bên chân Mẹ đời đời. Amen.

            Thở than khóc lóc dưới lòng thung lũng nước mắt này, chúng con khát mong về mẹ.

            Maria cứu nhân độ thế

            Vinh quang Đức Maria là vinh quang Chúa Giêsu

            Khẩn cầu các thánh và nhất là khẩn cầu Mẹ Đồng Trinh Maria là Nữ Vương các thánh, không những là một việc rất nên làm, mà lại là một việc rất ích lợi và thánh thiện nữa. Đó là một chân lý đức tin, một chân lý mà phàm những người lạc giáo dám chối bỏ, coi như là nhục mạ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung gian duy nhất của ta – tất cả đều bị các Công đồng lên án.

            Nếu một tiên tri Giêrêmia, sau khi đã từ trần, từng cầu nguyện cho thành Giêrusalem (2 Mcb 15/14) ; nếu các vị cố lão trong sách Khải huyền từng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của các người lành (Kh 5/8) ; nếu một thánh Phêrô từng hứa sau khi qua đời sẽ cầu nguyện cho môn đệ (2 Pr 1/15) ; nếu một thánh Têphanô đã từng cầu cho kẻ bách hại mình (Cv 7/59), và một thánh Phaolô từng cầu nguyện cho các bạn đồng hành trên đường truyền giáo cũng như cho các giáo hữu (Cv 27/24) ; tắt rằng, nếu các thánh còn cầu nguyện cho chúng ta được, thì tại sao chúng ta lại không có thể nài xin các thánh cầu bầu cho chúng ta ? Thánh Phaolô đã từng xin các môn đệ cầu nguyện cho mình (1 Tx 5/25) ; thánh Giacôbê cũng từng khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho nhau để được giải thoát (Gc 5/16), thì về phía chúng ta, chúng ta cũng có quyền xin các thánh cầu nguyện cho chúng ta.

            Chỉ có Chúa Giêsu mới là Trung gian công lý duy nhất của chúng ta, và chỉ có Ngài mới đã lập công giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Ai dám chối cãi điều ấy ? Nhưng trái lại, chối cãi rằng Thiên Chúa không vui lòng ban mọi ơn Người cho ta, nhờ lời cầu nguyện của các thánh, và nhất là của Mẹ Maria, Mẹ Người, Người Mẹ mà Chúa Giêsu Kitô từng ước ao được thấy chúng ta yêu mến và tôn kính, – thì đó là sản phẩm của một chủ trương vô đạo. Ai chẳng biết vinh dự ban cho các bà mẹ cũng là ban cho con các bà ? Thánh Kinh nói : Cha mẹ là vinh quang của con cái (Cn 17/6). Không, thánh Bênađô quả quyết, chủ tâm ca tụng Mẹ Maria không thể là làm phai mờ vinh quang của Chúa Giêsu là Con Mẹ được, vì “càng tôn kính Mẹ thì càng ca tụng Con”. Thánh Iđêphong đã viết : “Hết những vinh dự ta dâng về Mẹ, đều là dâng lên Con, và hết những niềm kính tôn ta tặng dâng Nữ Vương trên trời, cũng là tặng dâng Vua Chí Thánh”. Vì ta chân nhận rằng : chính là nhờ công trạng Chúa Giêsu Kitô lập, Mẹ Maria mới được tặng trao quyền tối cao, làm Mẹ trở nên Đấng trung gian giải thoát chúng ta, một vị trung gian không thuộc bình diện công lý, nhưng thuộc bình diện ân sủng và can thiệp. Đó chính là tước hiệu mà thánh Bonaventura dâng kính Mẹ : “Maria là Nữ Trung gian trung hậu giải thoát ta”. Thánh Lôrensô Giúttinianô cũng cao lời : “Có lẽ nào Người đã được Chúa đặt làm thang mây lên trời, làm cửa thiên đàng, làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, lại không là người đầy ơn phúc được ?”

            Một chủ trương phổ quát

            Theo những lẽ trên, cha Suarez nhận định đúng lý rằng : “Nếu chúng ta cầu xin Đức Mẹ để Chúa ban ơn xuống thì không phải là chúng ta khinh thị tình Chúa xót thương, mà đúng hơn là vì chúng ta không dám ỷ vào sự bất xứng riêng của mình. Chúng ta xin Mẹ Maria cầu bầu, để phẩm chức của Mẹ bổ khuyết cho cảnh cùng quẫn của chúng ta”.

            Cho nên, chạy đến kêu cầu Mẹ Maria can thiệp, là một việc rất hữu ích, rất thánh thiện, hoài nghi điều đó tức là chối bỏ đức tin. Nhưng điểm quan thiết chúng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta rất cần phải có Mẹ Maria cầu bầu để được cứu rỗi. Chúng tôi nói cần thiết, nhưng không phải là một cần thiết tuyệt đối, mà chỉ là một cần thiết tinh thần. Và chúng tôi cũng nói ngay rằng sự cần thiết này chỉ là do ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn đã định không một ân sủng nào được ban xuống cho loài người mà không qua tay Mẹ Maria, như thánh Bênađô đã chủ trương.

            Ta có thể cùng với tác giả cuốn Triều đại Mẹ Maria mà nói rất đúng rằng đó chính là chủ trương phổ quát các nhà thần học và các vị tiến sĩ ngày nay từng nắm giữ. Các cha Vega, Mendoza, Paciucchelli, Segneri, Craset, Poiré và đông đảo các văn gia lỗi lạc của Giáo hội cũng từng thừa nhận như thế. Cả đến cha Nôen Alêxanđê, một tác giả rất nghiêm cẩn khi trình bày vấn đề, cũng quả quyết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cầu mong Người ban xuống mọi ơn qua sự can thiệp của Đức Mẹ Maria. Sau đây là lời ngài : “Chúa muốn chúng ta hi vọng từ tâm Ngài ban cho mọi ơn lành, nhưng với điều kiện là chúng ta phải đến xin Đức Nữ Trinh Maria đem quyền cầu bầu toàn năng của Mẹ mà can thiệp cho ta trước đã, mới hợp với chương trình Chúa thiết định”. Ngài viện chứng cho chủ trương của ngài bằng câu nói thời danh của thánh Bênađô rằng : “Thánh ý Chúa là muốn chúng ta nhận được mọi ơn qua tay Mẹ Maria”.

            Đó cũng là chủ trương của cha Contenson. Bình giảng lời Chúa Giêsu từ trên thánh giá nói với thánh Gioan : “Đây là Mẹ con”. Ngài diễn giải thế này : “Lời Chúa phán đó có nghĩa là : chẳng ai được dự phần vào giá máu Ta đã trào đổ, nếu không nhờ trung gian của Mẹ Ta. Thật vậy, thương tích của Ta là nguyên ủy của hết mọi ân sủng, nhưng những dòng suối ân sủng đó chỉ tuôn chảy xuống các linh hồn qua kênh dẫn Maria ; Gioan, môn đệ Thầy ơi, Thầy sẽ yêu dấu con mãi bao lâu con còn yêu mến Mẹ Thầy”.

            Thương xác với một tác giả hiện đại

            Vấn đề mọi ơn lành chúng ta được Chúa ban đều qua bàn tay Mẹ Maria đây đã không hợp thị hiếu một tác giả hiện đại. Sau khi bàn giải kỹ lưỡng một cách khoa học và sùng mộ thế nào là sùng kính thật, thế nào là sùng kính giả, tác giả đó đã tỏ ra quá hẹp hòi khi bàn đến lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Ông chối bỏ, không chịu nhận Mẹ Maria có đặc ân vinh hiển mà một thánh Germanô, một thánh Anselmô, một thánh Gioan Đamát, một thánh Bênađinô, đức viện phụ đan viện Celles và biết bao nhà tiến sĩ khác đã dễ dàng tuyên nhận. Không một ai trong các vị trên đã ngần ngại căn cứ vào cùng một lý do đã nói trên mà đề cao chủ trương sự can thiệp của Mẹ Maria không những lợi ích cho chúng ta, mà còn cần thiết nữa.

            Tác giả đó cho rằng chủ trương như vậy – vấn đề Chúa không ban xuống ơn nào nếu không qua trung gian Mẹ Maria – chỉ có thể là một kiểu nói khoa trương, một cách phóng đại sản ra do lòng sốt sắng của một vài vị thánh. Hơn nữa, ông thêm, nếu hiểu cho đúng kiểu mấy vị thánh đó diễn tả, thì chủ trương đó chỉ có nghĩa đơn giản là Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu cho chúng ta, nhờ công trạng Chúa lập, chúng ta lĩnh nhận được mọi ơn khác. Rồi ông kết luận : nếu hiểu khác đi rằng Chúa chỉ ban các ơn Người xuống khi người ta đã cầu xin Đức Maria, là người ta đã rơi vào lầm lạc ; vậy, cùng với thánh Phaolô (1 Tm 2/5), chúng ta chỉ công nhận có một Thiên Chúa duy nhất, và một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, ấy là Chúa Giêsu Kitô. Đó, những tư tưởng của tác giả trình bày là như thế.

            Nhưng tôi xin phép căn cứ vào chính điều tác giả đã giảng trong sách của ông mà trả lời rằng : trung gian công lý nhờ lập công trạng thì khác, mà trung gian ân sủng nhờ lời cầu xin thì khác. Và nói Chúa không thể thì khác, mà Chúa không muốn ban ơn Người cho chúng ta nếu không nhờ Mẹ Maria can thiệp thì khác. Nên về phía chúng tôi, chúng tôi tuyên xưng rằng Thiên Chúa là nguyên ủy mọi ơn lành, là Chủ tuyệt đối ban mọi ân sủng, còn Đức Mẹ Maria chỉ là một thụ tạo thuần túy, từng mắc nợ về mọi ơn lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho Mẹ. Nhưng thật là thích hợp và đúng lý biết bao khi ta quả quyết Chúa muốn nhờ tay Mẹ Maria, nhờ trung gian của Mẹ, mà ban xuống hết mọi công nghiệp Cứu Chuộc, và Chúa thi hành như thế chỉ cốt để làm vinh quang thụ tạo trác tuyệt mà Chúa đã tuyển lựa làm Mẹ của Con Chúa, Cứu Chúa của chúng ta, Đấng suốt đời đã tôn trọng và mến yêu Mẹ hơn toàn thể các thụ tạo hợp một đã tôn yêu Mẹ. Ai có thể không công nhận điều ấy ? Căn cứ vào điều chúng tôi đã phân biệt trên kia, chúng tôi cũng lại tuyên xưng rằng : Chúa Giêsu là Trung gian ân sủng, và nếu Mẹ có quyền xin được ơn, là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô đã lập ; và nhờ lời cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hết mọi ân sủng chúng ta xin đều được ban xuống qua sự cầu bầu của Mẹ, cũng là điều chẳng kém xác thực vậy.

            Trong vấn đề này, nhất định không có gì trái ngược với lời Giáo hội giảng dạy, mà lại hoàn toàn thích hợp với chủ trương và tâm tình của Giáo hội. Thật vậy, trong các kinh nguyện công cộng đã được công nhận, Giáo hội đã dạy chúng ta luôn luôn chạy đến cùng Mẹ Thiên Chúa, và cầu khẩn Mẹ là Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, Mẹ bầu chữa kẻ có tội, Mẹ phù hộ các giáo hữu, là sự sống, là hi vọng của chúng ta. Trong kinh Nhật tụng đọc trong các lễ kính Đức Mẹ, Giáo hội cũng áp dụng vào Mẹ những lời sách Huấn Ca mà giảng giải tinh tường cho ta hiểu rằng : Trong Mẹ có toàn thể hi vọng cứu sống và sức mạnh ; phải tìm mọi ân sủng nơi Mẹ Maria. Trong Mẹ có hết mọi ân sủng dẫn đạo và chân lý (Hc 24/25). Tắt rằng, chúng ta phải đến tìm nơi Mẹ Maria sự sống và sự giải thoát đời đời : Ai tìm được Mẹ là tìm được sự sống và kín múc được ơn giải thoát trong Chúa (Cn 8/35). Và, ai làm sáng tỏ Mẹ sẽ không phạm tội, lại được sống đời đời (Hc 24/30). Tất cả những lời ấy đều nói về sự cần thiết phải có Mẹ Maria can thiệp.

            Chúng tôi kiên quyết công nhận chủ trương của chúng tôi, nhờ uy tín một số rất lớn các nhà thần học và các thánh Giáo phụ đã từng thừa nhận. Vì không thể nói như tác giả tôi đã nói trên kia mà xác thực được rằng để tôn vinh Mẹ Maria, các vị đã nói theo kiểu khoa trương, rằng chủ trương đó sản ra do những cách phóng đại đẹp mã. Khoa trương và phóng đại là đi ra ngoài cương giới sự thật, không thể áp dụng vào cho các thánh được. Các thánh bao giờ cũng được hướng dẫn do Thánh Linh Thiên Chúa, một Thánh Linh chân lý kia mà.

            Một đạo tuyến ân sủng

            Ở đây, tôi lại xin mạn phép lạc đề một đoạn ngắn nữa, để trình bày quan điểm của riêng tôi về vấn đề này. Một ý kiến tự nó có thể tôn vinh vinh dự của Mẹ Đồng Trinh cách này hay cách khác, lại có một nền tảng thừa nhận được, không có gì trái ngược với đức tin, với các sắc lệnh của Giáo hội, với chân lý ; một ý kiến như thế mà không chịu công nhận, hay hơn nữa, lại còn bài bác lấy lẽ rằng có thể có một ý kiến đối lập cũng là thật, thì đó là tỏ ra ít có lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa lắm. Phần tôi, tôi không chịu liệt danh vào số những trí óc bủn xỉn đó, và tôi cũng cầu mong bạn đọc đừng lạc vào bọn họ. Chúng ta hãy đứng về phe những người hoàn toàn và kiên quyết tin tưởng hết thảy những điều có thể làm vinh hiển Mẹ Maria mà không sợ sai lầm. Theo cha Rupertô, hoàn toàn và kiên quyết tin vào tất cả những cao quang của Mẹ là một cách tôn kính trác tuyệt nhất chúng ta có thể dâng kính Mẹ Đồng Trinh.

            Hơn nữa, để chúng ta khỏi e ngại là đi quá xa trong việc ca tụng Mẹ, chúng ta hãy ỷ vào uy tín của thánh Âutinh là đủ. Ngài từng quả quyết rằng tất cả những gì ta có thể dâng lên ca tụng Mẹ Maria, có sánh với chức phẩm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, vẫn còn là ít oi lắm. Chúng ta lại còn dựa cả vào uy tín của chính Giáo hội, vì Giáo hội đã truyền cho chúng ta ca ngợi Mẹ trong kinh Nhật tụng rằng : “Lạy Mẹ Đồng Trinh vinh hiển, Mẹ thật hạnh phúc và rất đáng mọi người ca tụng”.

            Nhưng xin trở lại đề tài chúng ta đang bàn để xem các thánh đã nhận thức như thế nào. Theo thánh Bênađô, Chúa đã trào đổ xuống Mẹ Maria tràn đầy hết mọi ân sủng, để loài người đến nơi Mẹ mà lãnh nhận hết mọi ơn lành Chúa ban cho họ, như qua một đạo tuyến. Thánh nhân quả quyết : “Mẹ là một thủy đạo lúc nào cũng tràn bờ, để mọi người đến múc lấy ơn phúc trong sự tràn đầy của Mẹ”. Ngài còn để lại một suy niệm quan trọng về vấn đề này. Theo lời ngài, nếu trước khi Mẹ Maria nhập thế cục, chẳng có ai trên đời khám phá ra được những nhiệm lưu ân sủng đó, chính là vì chưa có Mẹ Maria là một thủy đạo chân phúc dư đầy. Ngài thêm : “Và, Mẹ Maria đã được ban cho thế giới chính là cốt để qua Mẹ, như qua một đạo tuyến, các ân sủng và ân tứ trời cao được liên tục từ Chúa trào xuống cho nhân loại”.

            Tướng Hôlôphernê ngày trước, muốn chiếm đóng thành Bêtulia, đã truyền cắt đứt các thủy đạo dẫn nước vào thành (Gdt 7/6-11). Quỉ dữ cũng động viên toàn lực để tiêu hủy lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong các linh hồn ; vì một khi đạo tuyến ân sủng này đã bị cắt đứt trong linh hồn nào, thì quỉ sẽ thành công trong việc chiếm đoạt linh hồn đó một cách dễ dàng. Thánh Bênađô lại tiếp : “Anh em giáo hữu thân mến, xin anh em tìm hiểu xem chừng nào Chúa muốn anh em tin tưởng luôn luôn chạy đến xin Mẹ Maria phù trì, để tỏ hết tình yêu mến, hết dạ tôn sùng kính tôn Nữ Vương chúng ta, vì Chúa đã đặt toàn thể kho tàng sung mãn hết mọi ân sủng nơi Mẹ, để từ nay, chúng ta phải đến lãnh nhận từ tay Mẹ bất cứ ơn nào chúng ta hi vọng, bất cứ ơn nào thuộc ân sủng hay bất cứ ơn nào liên quan đến sự cứu thoát chúng ta”. Phải rồi, phàm bất cứ tình thương nào Chúa ban xuống cho loài người bất cứ lúc nào, đều qua trung gian Mẹ Maria.

            Vì quan điểm đó mà người ta thường sánh Mẹ với trăng. Thánh Bonaventura viết : “Như trăng làm trung gian giữa trái đất và mặt trời, rót ánh sáng nhận được từ mặt trời xuống trái đất, thì Mẹ Maria cũng làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, lãnh nhận hết những nguồn mạch ân sủng trời cao để trào đổ xuống cho chúng ta ở cõi đời”.

            Cũng vì quan điểm đó mà Giáo hội xưng tụng Mẹ là Cửa Thiên Đàng. Như bất cứ sắc lệnh ân xá nào của một hoàng đế đều được tuyên chiếu nơi cửa đền, thì cũng không có ân sủng nào từ trời ban xuống đất mà không qua tay Mẹ Maria. Đó là lời giải thích của thánh Bênađô, và đây là giải thích của thánh Bonaventura : “Chúng ta xưng tụng Mẹ Maria là cửa thiên đàng, vì chẳng có ai vào được thiên đàng mà không qua Mẹ là cửa nước Trời”.

            Một trung gian cần thiết

            Chúng tôi lại kiên quyết chủ trì quan điểm của chúng tôi nhờ uy tín thánh Giêrônimô, hoặc theo ý kiến một ít người, nhờ uy tín của một văn gia cổ nhân, tác giả một bài giảng được in gồm trong tác phẩm của thánh tiến sĩ. Trong bài đó, ta còn đọc thấy những lời này : “Trong Chúa Giêsu, ân sủng dư đầy như trong đầu, để từ đó phát nguyên ; còn trong Mẹ Maria, thì ân sủng sung mãn như trong cổ, dẫn lộ ban phát ra”. Ý nghĩa câu trên là Chúa Giêsu choán gồm sung mãn mọi ân sủng, và chúng ta, những chi thể của Chúa, chúng ta phải đến lĩnh nhận từ Chúa mọi sức sống, tức là những cứu trợ chí linh cần thiết để được sống đời đời. Nhưng Mẹ Maria thì choán gồm mọi ân sủng như cổ gồm chứa sức sống để thông lưu mọi phần chi thể. Tư tưởng đó cũng là của thánh Bênađinô Siêna ; thánh nhân còn giảng rõ ràng hơn nữa rằng : “Nhờ Mẹ Maria điều hành, hết mọi ân sủng của đời sống thiêng liêng phát nguyên từ Chúa là đầu, đã chan hòa đổ xuống trên các tín hữu là nhiệm thể Chúa”.

            Thánh Bonaventura cũng luận lý như sau : “Thiên Chúa đã đoái đến cư ngụ trong lòng Mẹ Đồng Trinh chân phúc, nên tôi không ngại quả quyết rằng từ đó, Mẹ đã thu dụng một quyền lợi trên toàn thể các ân sủng, vì từ cõi lòng trinh vẹn của Mẹ, như từ một đại dương thiên quốc, hết mọi dòng sông ân tứ đã phát nguyên cùng với Chúa Giêsu”. Thánh Bênađinô Siêna còn trình bày tư tưởng trên bằng những lời văn trang trọng và quả quyết hơn nữa, ngài viết : “Từ ngày Mẹ Đồng Trinh phôi dựng Ngôi Lời Thiên Chúa, Mẹ đã được sử dụng toàn quyền tài phán đối với tất cả những cuộc nhiệm sinh của Thánh Linh nơi trần gian – nghĩa là hết mọi linh ân Thánh Linh thông ban cho loài người – đến nỗi từ ngày đó, không một ai được Chúa ban ân sủng, mà lại không phải đến lĩnh nhận qua trung gian và qua bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ nhân từ âu yếm của chúng ta”.

            Cũng theo cùng một chiều hướng vấn đề chúng ta đang theo dõi, một tác giả đã chú giảng một câu trong sách tiên tri Giêrêmia, lúc nhà tiên tri nói đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đã tiên báo một nữ nhân sẽ vòng quanh Thiên Chúa làm Người (Gr 31/22). Tác giả đó viết : “Như một đường thẳng kéo từ tâm một vòng tròn không thể ra miền ngoài vòng tròn được, nếu không cắt đường tròn, thì cũng không thể có ân sủng nào phát xuất từ Chúa Giêsu, tâm điểm mọi ơn lành, đến với chúng ta được mà không qua Mẹ Maria, Người đã thực sự vòng quanh Con Thiên Chúa mọi chiều, khi thụ thai trong lòng Mẹ”.

            Căn cứ vào những lẽ trên, thánh Bênađinô Siêna kết luận : “Tất cả mọi ơn trời, tất cả mọi nhân đức cũng như tất cả mọi ân sủng đều do tay Mẹ Maria ban phát, phát cho ai, phát lúc nào, phát thế nào, tùy ý Mẹ cả”. Và cha Risa cũng làm dội lại lời thánh nhân, ngài nói : “Trong tất cả các ơn lành ban cho thụ tạo, Chúa không muốn một ơn nào được ban ra mà lại không qua tay Mẹ Maria”. Thế nên, đức viện phụ đáng kính đan viện Celles khuyến khích mọi người chúng ta chạy đến cùng Đấng mà ngài xưng tụng là “Quản Thủ kho trời ân sủng”. Ngài kêu gọi : Đến đi, anh em, đến với Mẹ Đồng Trinh vinh phúc, vì phải nhờ Mẹ làm trung gian, thế giới và toàn thể nhân loại mới thấy các nguyện vọng của mình được thực hiện, khi giơ tay lĩnh nhận ơn lành.

            Điều đó thật quá rõ ràng. Khi quả quyết rằng hết mọi ân sủng chỉ trào xuống chúng ta qua Mẹ Maria, các thánh và các tác giả, mà chúng tôi hân hạnh được viện chứng, hẳn đã chỉ chú ý nói rằng : chúng ta đã nhờ Mẹ Maria mà được Chúa Giêsu là nguyên ủy mọi ơn lành, như tác giả chúng tôi đã nói trên kia chủ trương, nhưng các ngài cũng lại quả quyết rằng : ban Chúa Giêsu cho chúng ta rồi, Thiên Chúa còn muốn phàm bất cứ ân sủng nào đã, đang và sẽ được ban ra cho đến tận thế nhờ công trạng Chúa Cứu Thế lập, đều phải được ban ra hết thảy nhờ Mẹ Maria can thiệp và ban phát.

            Chủ trương của Giáo hội

            Cùng với cha Suarez, chúng tôi kết luận rằng : “Chủ trương phổ quát của Giáo hội ngày nay là : sự can thiệp của Mẹ Maria không những hữu ích mà lại cần thiết cho chúng ta nữa”. Tôi xin nói lại : cần thiết nhưng không phải là cần thiết tuyệt đối, vì chỉ có Trung gian của Chúa Giêsu mới có đặc tính đó, mà chỉ là một cần thiết tinh thần, vì theo tư tưởng của thánh Bênađô mà Giáo hội nhận làm của mình : “Thiên Chúa không muốn ban cho chúng ta ơn nào mà không qua tay Mẹ Maria”. Trước thánh Bênađô khá lâu, thánh Iđêphong cũng đã từng quả quyết điều đó, khi ngài than thở với Mẹ Maria rằng : “Ôi Maria, Chúa đã muốn đặt vào tay Mẹ tất cả những ân tứ Chúa định trao ban cho loài người. Bởi đó, Chúa đã phú thác cho Mẹ hết mọi báu tàng, cũng như hết mọi nguồn ân sủng”. Thánh Phêrô Đamianô cũng thêm : “Nếu Chúa không muốn mặc xác nhân loại khi Mẹ Maria chưa đồng ý, thì trước là để hết thảy chúng ta phải nhờ Mẹ mới được hưởng dự ân huệ bao la Cứu Chuộc, và sau là để chúng ta hiểu rõ : mọi người được giải thoát đều là tùy ở Mẹ Maria”.

            Tiên tri Isaia đã gọi ngày đản nhật của Mẹ Maria là một chồi hoa, và ngày giáng sinh của Ngôi Lời nhập thể là một bông hoa nở ra từ chồi ấy : Một chồi cây sẽ mọc lên từ gốc Giétxê, và một bông hoa sẽ nở ra từ chồi ấy ; Thánh Linh sẽ đến an nghỉ trên hoa (Is 11/1). Suy niệm những lời tuyệt diệu trên, thánh Bonaventura cảm hứng kêu gọi : “Nào những ai ước vọng được linh ân Chúa Thánh Thần, hãy đến tìm bông hoa nở trên chồi hoa này, ấy là Chúa Giêsu trên Đức Mẹ, vì ta phải qua chồi hoa mới tới được hoa, phải qua hoa mới tới được Thiên Chúa”. Thánh nhân lại thêm : “Bạn ước ao chiếm hữu đóa hoa này ư ? Nào, bạn hãy cầu xin để chờ hoa lả ngọn về bạn, thì bạn sẽ hái được hoa”. Ngài còn giảng giải thêm nữa rằng : “Ngày xưa ba đạo vương đã gặp Chúa Giêsu bên Mẹ Maria, thì ngày nay cũng sẽ không ai có thể tìm thấy Chúa nếu không tìm nơi Mẹ Maria. Đòi tìm Chúa Giêsu, mà lại không tìm nơi Mẹ và nhờ Mẹ, thì chỉ là uổng công dã tràng xe cát”. Vì thế, thánh Iđêphong tâm niệm : “Tôi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, và vì không ai có thể trở thành môn đệ Chúa mà lại không là tôi tớ của Mẹ Maria, nên tôi nguyện sẽ phụng ái Mẹ son sắt một niềm”.

            Không bao giờ tôi bỏ

            Cha Vinhsơn Bôviô và Cêxarê thuật truyện một thanh niên quí phái, sau khi xài phí hết di sản khổng lồ cha chàng để lại, cùng quẫn quá, đến nỗi phải đi hành khất để nuôi mình. Nhưng để bớt xấu hổ, chàng quyết định bỏ quê hương đi sống một đời vô danh ở đất khách quê người.

            Trên đường tha phương cầu thực, một hôm chàng gặp một gia nhân cũ của cha chàng. Người này thấy chàng ủ ê vì nghèo khổ, khuyên chàng can đảm lên. Hắn hứa sẽ giới thiệu chàng với một ông hoàng rất giầu có và quảng đại, không những ông sẽ cứu chàng khỏi khổ, mà còn không để cho chàng thiếu thốn gì nữa. Tên gia nhân cũ đó, thật ra chỉ là một kẻ nham hiểm, mê theo những tà thuật của môn phù thủy. Thế là một hôm, hắn mời chàng thanh niên quí phái đi theo hắn. Hắn dẫn chàng qua một khu rừng, tới một bờ hồ. Ở đó, tên phù thủy thì thầm nói truyện với một người vô hình khác.

            Chàng thanh niên hỏi hắn nói truyện với ai đó, thì hắn đáp :

– Với đức linh quỉ.

            Rồi hắn lại rì rầm nói truyện, không hề sợ hãi :

– Lạy ngài, chàng thanh niên này đã bị rơi vào một cảnh cùng quẫn rất mực, y muốn lại được giầu có như xưa.

            Quỉ trả lời :

– Nếu nó phục tùng ta, ta sẽ cho nó phú quí hơn trước, nhưng trước hết, nó phải chối bỏ Chúa mới được.

Chàng thanh niên bạc phước sợ hãi lùi lại, nhưng tên phù thủy khốn nạn nài nẵng thiết tha. Nể lời, chàng ta quyết định chối Chúa. Quỉ tiếp thêm :
– Thế cũng chưa đủ, nó còn phải chối bỏ Đức Nữ Maria nữa, vì ta biết rằng chính Đức Nữ đó làm ta thiệt hại hơn hết. Biết bao linh hồn đã vào tay ta, mà Người còn cứu được đem về cho Chúa, làm chúng được rỗi linh hồn !

Chàng thanh niên kêu lên :

– Trời ! phải thế nữa ? Không bao giờ tôi chịu bỏ Đức Mẹ là Mẹ tôi. Tôi thà ăn mày suốt đời còn hơn, vì Mẹ Maria là tất cả niềm trông cậy của tôi mà !

Nói rồi chàng chạy thẳng.

            Trên đường về, chàng gặp một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ. Chàng vào kính viếng. Trong cơn khốn cực quẫn bách đó, chàng quì gối trước ảnh Đức Mẹ, khóc lóc thảm thiết van nài Mẹ xin ơn thứ tha tội lỗi cho mình. Đức Mẹ liền cầu xin Con Người cho chàng cực khổ đó. Trước, Chúa Giêsu còn phàn nàn vì chàng đã bội bạc chối bỏ Chúa, nhưng Đức Mẹ lại khẩn khoản nài xin. Thấy thế, Chúa nói :

– Ôi Mẹ yêu dấu, không bao giờ con từ chối Mẹ điều gì. Con tha cho nó, vì Mẹ đã xin như vậy.

            Lúc đó, người đã mua lại gia tài của chàng trai phung phá kia, cũng đang ở trong nhà thờ và được dự khán quang cảnh lạ lùng đó. Chứng kiến tình thương của Đức Mẹ đối với người trai tội lỗi này, ông gả ái nữ của ông cho chàng và lập chàng làm thừa kế. Thế là nhờ Đức Mẹ, không những chàng lại được ơn nghĩa cùng Chúa, mà còn được cả của cải đời tạm này nữa.

******************************

[P1] [P2] [P3] [P4] [P5] [P6] [P7] [P8] [P9] [ Trang chủ ] [ Mục lục ]

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *